Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh khách sạn?

Đăng bởi Khánh Ly
08/05/2021
449
Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh khách sạn là gì? Doanh nghiệp cần những loại giấy phép nào để đi vào hoạt động kinh doanh khách sạn? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Nhiều chủ đầu tư hiện nay rất quan tâm đến loại hình kinh doanh khách sạn. Không ít người bỏ ra chi phí đầu tư không nhỏ cho hoạt động kinh doanh khách sạn của mình. Điều này xuất phát từ mục đích đáp ứng nhu cầu du lịch, lưu trú nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao của người dân hiện nay. Thế nhưng, kinh doanh khách sạn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh loại hình này cần phải đảm bảo thực hiện đúng thủ tục, đáp ứng đủ điều kiện theo pháp luật để kinh doanh một cách thuận lợi và hợp pháp nhất.

Vậy thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh khách sạn là gì? Doanh nghiệp cần những loại giấy phép nào để đi vào hoạt động kinh doanh khách sạn? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

1. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh khách sạn thì phải thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân sẽ phải chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp tương ứng với loại hình doanh nghiệp mà mình đã chọn.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

– Danh sách các cổ đông hoặc thành viên của công ty

– Nếu là cá nhân thì cần chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân (bản sao).

– Nếu là tổ chức thì cần thêm giấy phép đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hay các tài liệu tương đương.

– Giấy đề nghị cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp, thành lập công ty kinh doanh khách sạn.

– Điều lệ công ty kinh doanh khách sạn.

Tham khảo theo: Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP

Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

  • Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp trực tuyến

Chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền kê khai, nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và trả thông báo (Phiếu hẹn kết quả) qua email. Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ và thông báo kết quả giải quyết hồ sơ đến Công dân qua mail trong thời hạn 03 ngày.

  • Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp bản cứng trực tiếp và nộp phí, lệ phí

Nếu nhận được thông báo hồ sơ hợp lệ từ Bước 1, Chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ bản cứng trực tiếp lên Phòng đăng ký kinh doanh. Đồng thời, nộp phí, lệ phí (nếu có) và đăng ký hình thức nhận kết quả: chuyển phát về trụ sở hoặc nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa.

  • Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ bản gốc, kiểm tra hồ sơ và thông báo việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số dự kiến qua email cho người nộp hồ sơ.

Người nộp hồ sơ tới bộ phận một cửa nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận từ đơn vị chuyển phát.

  • Bước 4: Khắc con dấu doanh nghiệp và công bố mẫu con dấu

Doanh nghiệp tự thiết kế, khắc dấu hoặc thuê đơn vị được cấp phép thực hiện. Con dấu phải đảm bảo chứa hai nội dung tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Con dấu không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

  • Bước 5: Doanh nghiệp thực hiện các công việc khác sau khi thành lập. Bao gồm các công việc quan trọng như: Mở tài khoản ngân hàng, lập tờ khai lệ phí môn bài, setup hồ sơ kế toán thuế ban đầu…

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy

Hồ sơ giấy phép đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy bao gồm:

+ Đơn xin cấp phép

+ Phương án Phòng cháy chữa cháy

+ Sơ đồ khách sạn

+ Sơ đồ thoát hiểm

+ Danh sách lực lượng chữa cháy tại chỗ,…

+ Các bản vẽ và bản thuyết minh thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

Cơ quan cấp: Phòng cháy chữa cháy quận/huyện hoặc tỉnh, thành phố tùy quy mô và số tầng xây dựng

3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận an ninh trật tự

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận an ninh trật tự gồm các giấy tờ sau:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, đơn vị trực thuộc; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, văn bản khác tương đương.
  • Bản sao Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hoặc Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP
  • Bản khai lý lịch kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.

Thủ tục nộp hồ sơ cấp chứng nhận an ninh trật tự

  • Bước 1: Cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền
  • Bước 2: Thời hạn hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Không quá 05 ngày làm việc;

Cơ quan cấp: Công an quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội tỉnh, thành phố.

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm:

  • Đối với tổ chức:

– Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm;

– Bản danh sách các đối tượng đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã (có dấu xác nhận của tổ chức);

– Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí;

  • Đối với cá nhân:

– Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm;

– Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân;

– Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm:

  • Bước 1: Chủ cơ sở và các nhân viên trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc với thực phẩm phải đi tập huấn và thi lấy Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP.
  • Bước 2: Sau khi có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, Cơ sở nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy theo lĩnh vực hoạt động cụ thể..

- Cơ quan cấp: Ban quản lý an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận (thuộc sở Y tế)

- Thời hạn của giấy chứng nhận là 3 năm

5. Giấy phép cam kết bảo vệ môi trường

Hồ sơ xin giấy phép cam kết bảo vệ môi trường bao gồm:

  • 3 bản kế hoạch bảo vệ môi trường. Với yêu cầu về cấu trúc và nội dung theo mẫu quy định.
  • 1 báo cáo đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của chủ dự án.

Thủ tục cấp giấy phép cam kết bảo vệ môi trường:

  • Doanh nghiệp nộp một bộ hồ sơ đăng ký Cam kết bảo vệ môi trường đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch bảo vệ môi trường. Cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
  • Trường hợp không xác nhận, Cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Cơ quan cấp: Phòng tài nguyên môi trường địa phương

- Với các dịch vụ đặc thù khác thuộc kinh doanh có điều kiện như Karaoke, Spa, vui chơi có thưởng, kinh doanh rượu mạnh,… doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục iên quan khác.

6. Thực hiện thủ tục đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch

Sau khi đáp ứng các điều kiện để kinh doanh khách sạn. Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Tức là cấp hạng sao cho khách sạn.

Hồ sơ đăng ký xếp hạng sao khách sạn bao gồm:

  • Đơn đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú
  • Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp (có sao y)
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự (có sao y)
  • Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (có sao y)
  • Sơ đồ phòng khách sạn
  • Bảng điểm đánh giá tiêu chuẩn xếp hạng sao khách sạn
  • Biên lai nộp lệ phí thẩm định khách sạn theo quy định của phá luật hiện hành
  • Danh sách các nhân viên làm việc ở khách sạn
  • Bằng cấp về chuyên ngành hoặc lớp nghiệp vụ của các nhân viên

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xếp hạng sao khách sạn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Thời gian bắt đầu nộp hồ sơ: Sau 2 tháng kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cùng đầy đủ những loại giấy tờ nêu trên.

Thủ tục đăng ký xếp hạng sao khách sạn:

  • Bước 1: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp 1 bộ hồ sơ đến Sở Văn hóa thể thao và du lịch.
  • Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch thẩm định. Và ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Trường hợp không công nhận, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Ngoài những giấy tờ thủ tục cần thiết, doanh nghiệp cá nhân kinh doanh khách sạn cần lưu ý đến Những tiêu chuẩn thiết kế khách sạn theo quy định của nhà nước.

Nếu cần tư vấn gì thêm, quý khách hãy liên hệ với ACI Home theo:

Hotline: 0968 88 00 55

Email: acihomesg@gmail.com

Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh khách sạn?, 1 rm_ratings 1 rm_ratings
5/5 - Có 1 Bình chọn